Phong cách ngôn ngữ là yếu tố được chú trọng trong những tác phẩm văn học. Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng phân biệt và dùng ngôn ngữ phù hợp với hoàn cảnh. Để giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này, hãy theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi nhé!
Phong cách ngôn ngữ là gì?
Phong cách ngôn ngữ là phương thức diễn đạt bao gồm lời nói hoặc chữ viết trong những hoàn cảnh khác nhau. Do đó, mỗi cách diễn đạt thuộc một phạm trù phong cách cụ thể. Hiện nay, phong cách của ngôn ngữ được phân chia thành 6 loại đó là: PCNN sinh hoạt; nghệ thuật; báo chí; khoa học; chính luận và hành chính.
Đặc điểm của các phong cách ngôn ngữ và cách nhận biết
Để giúp mọi người hiểu hơn về từng thể loại phong cách ngôn ngữ, chúng tôi sẽ chia sẻ chi tiết về khái niệm, cách nhận biết và lấy dẫn chứng. Hãy tiếp tục theo dõi phần dưới đây nhé!
Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt
Đây chính là lời nói hàng ngày để con người trao đổi thông tin, ý nghĩa, tình cảm…. Do đó, nó không mang tính nghi thức và đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin của con người. PCNN sinh hoạt được chia thành 2 dạng tồn tại là nói và viết nhật ký, tin nhắn,…
PCNN sinh hoạt bao gồm các đặc trưng sau:
- Tính cụ thể: Được thể hiện trên các phương diện không gian, thời gian, nhân vật, nội dung giao tiếp,…
- Tính cảm xúc: Chúng ta dễ dàng nhận thấy đặc trưng này trong PCNN sinh hoạt được thể hiện qua giọng điệu, trợ từ, thán từ,…
- Tính cá thể: Mỗi người sẽ có một giọng nói riêng, cách diễn đạt khác nhau qua đó chúng ta có thể đoán được tuổi tác, tính cách, nghề nghiệp,…
Thông thường, các dạng đề ngữ văn thường có câu nhận biết PCNN qua một đoạn văn bản. Nếu thấy có lời đối đáp giữa các nhân vật hoặc trích từ thư, nhật ký thì đây chính là PCNN sinh hoạt.
Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật
PCNN nghệ thuật là ngôn ngữ dùng trong các tác phẩm văn chương cung cấp thông tin cho người đọc và đảm bảo tính thẩm mỹ. Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật sẽ được tổ chức, gọt giũa đạt giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ.
PCNN nghệ thuật được dùng trong những văn bản nghệ thuật, ngoài ra còn tồn tại trong văn bản chính luận, báo chí,… Do đó, để nhận biết chính xác phong cách của ngôn ngữ này, bạn cần nắm rõ những đặc trưng sau:
- Tính hình tượng: PCNN nghệ thuật sẽ được xây dựng hình tượng qua các biện pháp tu từ như so sánh, nhân hoá, ẩn dụ,…
- Tính truyền cảm: PCNN nghệ thuật phải mang tính truyền cảm, gây ấn tượng mạnh mẽ đối với độc giả.
- Tính cá thể: Tức là dấu ấn riêng của tác giả được lặp lại nhiều lần và tạo nên phong cách riêng. Tính cá thể còn được thể hiện qua lời thoại của các nhân vật trong tác phẩm.
Như vậy, nếu trong đề đọc hiểu cho một bài thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết,… có tên tác giả thì đều thuộc PCNN nghệ thuật.
XEM NGAY: Hướng dẫn cách viết bản kiểm điểm
Phong cách ngôn ngữ chính luận
PCNN chính luận sẽ dùng trong các văn bản quy phạm pháp luật hay những phát biểu trong hội nghị, hội thảo,… Qua đó nhằm trình bày cũng như đánh giá các vấn đề chính trị, xã hội theo một quan điểm nhất định.
PCNN chính luận cũng có 2 dạng tồn tại là nói và viết. Tuy nhiên, khi diễn đạt sẽ dùng khá nhiều từ ngữ liên quan đến chính trị. Bên cạnh đó, các câu thường có kết cấu chuẩn mực, lập luận logic và liên kết chặt chẽ. Để tăng sức thuyết phục, PCNN chính luận sử dụng khá nhiều biện pháp tu từ.
Đặc trưng của PCNN chính luận được thể hiện như sau:
- Công khai về quan điểm chính trị: Trong văn bản chính luận cần thể hiện rõ ràng quan điểm của người viết về vấn đề trong cuộc sống. Do đó, người viết cần phải cân nhắc sử dụng từ ngữ rõ ràng, câu văn mạch lạc để diễn đạt trọn vẹn ý.
- Tính chặt chẽ trong diễn đạt và suy luận: Văn bản chính luận cần có luận điểm, luận cứ, minh chứng rõ ràng và đảm bảo tính logic.
- Tính truyền cảm, thuyết phục: Mặc dù đưa ra quan điểm cá nhân của mình với giọng điệu hùng hồn nhưng cũng cần truyền cảm để thuyết phục người nghe.
Trong đề đọc hiểu, chúng ta sẽ nhận biết PCNN chính luận qua những nội dung liên quan đến vấn đề chính trị, xã hội. Hoặc trong đoạn văn có quan điểm của người viết, sử dụng từ ngữ chính trị, trích lời phát biểu của nguyên thủ quốc gia,…
Phong cách ngôn ngữ khoa học
Đối với văn bản khoa học được chia ra thành 3 loại đó là:
- Văn bản khoa học chuyên sâu để giao tiếp giữa những người đang nghiên cứu trong các ngành khoa học. Hiểu đơn giản đó là luận án, luận văn, tiểu luận,…khi học đại học, cao đẳng, thạc sĩ,…
- Văn bản khoa học và giáo khoa chính là giáo trình, sách giáo khoa hay giáo án giảng bài… Nội dung của văn bản khoa học và giáo dục sẽ được trình bày từ dễ đến khó bao gồm lý thuyết và bài tập củng cố.
- Văn bản khoa học phổ cập được hiểu là báo, tạp chí,… nhằm mang kiến thức khoa học cho mọi người biết tới.
PCNN khoa học tồn tại ở cả 2 dạng là nói và viết, những đặc trưng của phong cách ngôn ngữ này cụ thể như sau:
- Tính khái quát, trừu tượng: Dĩ nhiên trong ngôn ngữ khoa học phải dùng nhiều thuật ngữ liên quan đến ngành học. Kết cấu văn bản khoa học mang tính khát quát từ luận điểm lớn đến nhỏ, từ tổng quan đến chi tiết,…
- Tính lí trí, logic: Từ ngữ trong khoa học mang một ý nghĩa duy nhất và không dùng các biện pháp tu từ nhân hoá, ẩn dụ,… Câu văn cần đảm bảo chặt chẽ, đúng cú pháp đóng vai trò là một đơn vị thông tin. Không chỉ riêng câu văn chặt chẽ mà cả văn bản khoa học cần có trình tự lập luận logic.
- Tính khách quan, phi cá thể: Các câu trong văn bản khoa học cần trung hoà, ít thể hiện cảm xúc. Bên cạnh đó, các câu văn này cũng cần có tính khái quát cao, không mang màu sắc cá nhân.
Phong cách ngôn ngữ báo chí
Chắc hẳn đây là phong cách của ngôn ngữ khiến các bạn dễ nhận ra trong phần đọc hiểu. PCNN báo chí dùng để thông báo tin tức thời sự nóng hổi cũng như thể hiện tôn chỉ của tờ báo nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội. PCNN báo chí sẽ tồn tại ở hai dạng nói (phóng sự, truyền hình, phát thanh) và viết đối với báo in và báo điện tử.
Trong ngôn ngữ báo chí chứa các phương thức diễn đạt bao gồm:
- Từ vựng được sử dụng phong phú, phản ánh chân thực về vấn đề, sự kiện mà công chúng đang quan tâm.
- Ngữ pháp sử dụng câu văn đa dạng nhưng đảm bảo tính ngắn gọn, mọi người đều có thể hiểu được
- Trong ngôn ngữ báo chí cũng thường sử dụng các biện pháp tu từ để hiệu quả diễn đạt được tốt hơn.
PCNN báo chí bao gồm các đặc trưng sau để phân biệt với thể loại khác:
- Tính thời sự: Tất nhiên, PCNN báo chí mang tính thời sự nóng hổi, chính xác và khách quan về vấn đề, sự kiện,…
- Tính ngắn gọn: Các câu văn trên báo chí đảm bảo ngắn gọn nhưng mang đến cho công chúng lượng thông tin cao.
- Tính sinh động, hấp dẫn: Để kích thích sự quan tâm của công chúng, ngôn ngữ trên báo chí phải sinh động, đa dạng,…
- Nếu trong đề đọc hiểu xuất hiện bài báo được đăng ngày nào, giờ nào, cơ quan chủ quản thì văn bản đó thuộc PCNN báo chí. Ngoài ra còn có thể là bản tin, phóng sự mang tính chất thời sự.
Phong cách ngôn ngữ hành chính
Văn bản hành chính được dùng trong giao tiếp giữa Nhà nước với nhân dân và ngược lại hoặc giữa cơ quan với cơ quan trên cơ sở pháp lý. Ngôn ngữ hành chính được trình bày với khuôn mẫu nhất định, từ ngữ hành chính xuất hiện với tần số cao. Khác với các PCNN trên, ngôn ngữ hành chính thường có kiểu câu dài, nhiều ý và ý quan trọng sẽ được viết xuống dòng.
PCNN hành chính sẽ có những đặc trưng nổi bật sau:
- Tính khuôn mẫu: Các văn bản hành chính đều phải tuân thủ theo khuôn mẫu nhất định. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy khi cơ quan chức năng ban hành thông tư, nghị định sẽ có mẫu văn bản nhất định.
- Tính chính xác: Trong văn bản hành chính sẽ không sử dụng các biện pháp tu từ hoặc diễn đạt không rõ nghĩa. Bên cạnh đó, cần đảm bảo chính xác từng dấu câu, thời gian để quá trình theo dõi dễ dàng hơn.
- Tính công vụ: Mặc dù là ngôn ngữ hành chính nhưng phải sử dụng từ ngữ toàn dân, không mang tính chủ quan, cá nhân,…
Cách nhận biết phong cách của ngôn ngữ hành chính rất đơn giản, bạn chỉ cần ghi nhớ dấu hiệu mở đầu là tiêu ngữ và phần cuối có chữ ký hoặc được chèn dấu đỏ.
Tips để phân biệt các phong cách ngôn ngữ dễ dàng
Đối với các bạn học trung học thường gặp dạng bài nhận biết phong cách ngôn ngữ qua đoạn văn bản. Vậy làm sao để có thể phân biệt các PCNN dễ dàng, không bị nhầm lẫn?
Trước tiên, bạn cần nắm rõ khái niệm, đặc trưng của từng PCNN như chúng tôi chia sẻ ở trên. Chỉ khi bạn có kiến thức nền tảng thì quá trình làm bài tập trở nên dễ dàng hơn.
Sau đó, hãy chăm chỉ luyện đề, thực hành nhận biết các thể loại PCNN. Từ đó, bạn sẽ tạo dần thói quen, phản xạ tốt khi bắt gặp dạng bài này. Chúc các bạn làm tốt các dạng bài nhận biết phong cách của ngôn ngữ và đạt điểm số cao nhé!
Tạm Kết
Trên đây, chúng tôi đã giải đáp phong cách ngôn ngữ là gì? Và chia sẻ đặc trưng, dấu hiệu nhận biết của từng PCNN. Mong rằng những thông tin trên giúp các bạn học sinh dễ dàng ghi nhớ và vận dụng trong môn Ngữ Văn. Lưu ý, người học cần hiểu bản chất và tự lấy ví dụ phân tích để ghi nhớ lâu hơn. Và đừng quên theo dõi Hoàng Hà Mobile để có thêm nhiều thông tin thú vị nhé!
XEM THÊM: Hướng dẫn cách viết bản cam kết đúng chuẩn và chi tiết nhất