Hiện nay, không ít kẻ gian đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết và mất cảnh giác của người dùng để lừa lấy mã OTP nhằm đánh cắp thông tin hoặc thực hiện các giao dịch trực tuyến trái phép. Nguyên nhân khiến rất nhiều người “mắc bẫy” thường do họ không hiểu rõ bản chất và công dụng của mã OTP là gì? Hãy cùng Hoàng Hà Mobile tìm hiểu về mã OTP và một số kiến thức cần biết về OTP để tự bảo vệ mình trước vô vàn mối nguy hiểm đang ẩn mình ở xung quanh chúng ta.
Mã OTP là gì?
OTP là từ viết tắt của One Time Password, hay được dịch là Mật khẩu dùng một lần. Nói một cách dễ hiểu thì mã xác thực OTP là một dãy số gồm 4 – 6 chữ số, được tạo ra một lần duy nhất và chỉ có hiệu lực trong khoảng thời gian ngắn (thường trong 30s giây – 2 phút).
Khi bạn giao dịch trực tuyến hoặc đăng nhập vào một nền tảng nào đó, bạn cần nhập chính xác mã OTP được gửi về SMS/email của mình để đến với các bước tiếp theo. Tuy nhiên, nếu bạn vượt quá thời gian quy định, bạn buộc phải yêu cầu hệ thống cấp lại mã OTP và sử dụng mã mới đó trong thao tác xác thực của mình.
Như vậy, câu trả lời cho OTP là gì là: OTP là mã xác thực được sử dụng để xác minh danh tính người dùng và là lớp bảo mật thứ 2 giúp đảm bảo rằng không có ai đó đang cố gắng xâm nhập và thực hiện các giao dịch trái phép, nhất là trong các giao dịch ngân hàng trực tuyến. Có thể nói rằng, đây là biện pháp hữu hiệu giúp ngăn chặn và giảm thiểu tối đa rủi ro bị đánh cắp thông tin, tài khoản hay thậm chí là đánh cắp tiền trên internet.
Phân loại các loại mã OTP
Sau khi tìm hiểu OTP là gì, chúng ta sẽ tiếp tục đến với 3 loại mã OTP phổ biến mà bạn có thể đã từng gặp qua:
SMS OTP là gì?
SMS OTP là loại mã OTP phổ biến và được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay. Qua đó, người dùng sẽ nhận được mã OTP qua SMS gửi đến số điện thoại mà bạn đã cung cấp trong quá trình đăng ký hoặc xác minh danh tính trước đó.
Token là gì?
Token là một loại thiết bị vật lý hoặc ứng dụng phần mềm chuyên dụng, được dùng để tạo và hiển thị mã OTP. Không giống với SMS OTP, người dùng có thể sử dụng Token mà không cần có kết nối với mạng. Mặc dù hình thức sử dụng Token cũng khá phổ biến và an toàn, nhưng nó tốn kém hơn so với những hình thức khác vì người dùng phải trả thêm chi phí làm thiết bị Token.
Smart OTP là gì?
Smart OTP được hiểu là một loại ứng dụng được dùng để tạo mã OTP và có thể hoạt động tốt trên cả iOS lẫn Android. Để sử dụng Smart OTP, bạn chỉ cần đăng ký tài khoản rồi kích hoạt thông tin tài khoản là hoàn tất.
Mã OTP thường được bắt gặp khi nào?
Sau khi biết OTP là gì, hẳn bạn đã từng bắt gặp mã OTP trong một số trường hợp như sau:
Đăng nhập trực tuyến: Một số nền tảng có tính bảo mật cao sẽ yêu cầu bạn nhập mã OTP để xác minh danh tính và đăng nhập tài khoản.
Xác minh giao dịch tài chính: Khi bạn chuyển tiền qua Internet Banking hoặc giao dịch bằng thẻ tín dụng, ngân hàng sẽ gửi về mã SMS OTP để xác minh giao dịch nhằm bảo vệ người dùng trong trường hợp ai đó đang cố gắng giao dịch trái phép bằng tài khoản ngân hàng của bạn.
Xác minh tài khoản: Sau khi đăng ký tạo tài khoản mới hoặc cập nhật thông tin lên một trang web, ứng dụng nào đó, bạn sẽ được yêu cầu nhập mã OTP đã được gửi về qua số điện thoại để đảm bảo thông tin là chính xác.
Khôi phục mật khẩu: Trong trường hợp bạn quên mất mật khẩu tài khoản trên một ứng dụng, trang web nào đó, bạn có thể yêu cầu hệ thống gửi mã OTP về email, số điện thoại và thực hiện các bước cần thiết để đặt lại mật khẩu.
Xác minh giao dịch trực tuyến: Khi giao dịch trực tuyến, chẳng hạn như đặt phòng khách sạn, mua vé máy bay online, bạn sẽ nhận được mã OTP để xác minh danh tính và giao dịch.
Bảo mật 2 yếu tố (2FA): Mã OTP thường được sử dụng để bảo mật hai yếu tố. Trong một số nền tảng hoặc thao tác quan trọng, đôi khi bạn cần phải nhập cả mật khẩu và OTP thì mới có thể tiếp tục những bước tiếp theo.
Cách lấy mã OTP khi giao dịch chuyển khoản qua ngân hàng
Như vậy, các nội dung trên đã giúp bạn nắm rõ OTP là gì và một số loại OTP phổ biến. Tại phần này của bài viết, Hoàng Hà Mobile sẽ hướng dẫn bạn cách lấy mã OTP khi giao dịch chuyển khoản qua các ứng dụng Internet Banking.
Khi giao dịch trực tuyến qua các ứng dụng Internet Banking, bạn cần tải ứng dụng của ngân hàng mình đang sử dụng về máy, sau đó đăng nhập với thông tin đã đăng ký từ trước với tên tài khoản và mật khẩu tài khoản chính xác.
Tiếp theo, bạn thực hiện các thao tác cần thiết để chuyển tiền, gồm: chọn ngân hàng, nhập thông tin người nhận, hình thức chuyển, số tiền… Sau khi nhập đầy đủ, bạn tiến hành kiểm tra lại một lần nữa để đảm bảo rằng mọi thông tin đều chính xác và bấm “Xác nhận”. Lúc này, một mã SMS OTP sẽ được gửi đến số điện thoại của bạn, hãy nhập nó vào khung xác thực để hoàn tất giao dịch.
Một số lưu ý cần biết khi sử dụng mã OTP là gì?
Sau khi tìm hiểu OTP là gì, hẳn bạn đã nắm rõ vai trò và tầm quan trọng của mã này. Vì là lớp bảo mật cuối cùng, nên bạn cần lưu ý một số điều sau để hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra:
- Kiểm tra kỹ lưỡng các thông tin, nội dung giao dịch trước khi nhập mã xác thực OTP.
- Mật khẩu đăng nhập nên được thay đổi thường xuyên để đảm bảo an toàn và bảo mật.
- Để tránh có kẻ gian chiếm đoạt được điện thoại và đánh cắp tiền từ tài khoản ngân hàng, bạn nên sử dụng mật khẩu cho điện thoại bạn dùng để đăng ký nhận mã OTP.
- Nếu như bạn bị mất điện thoại, hãy nhanh chóng liên hệ với ngân hàng hoặc ứng dụng giao dịch trực tuyến để khóa tính năng SMS OTP trước khi kẻ gian kịp đánh cắp mọi thứ của bạn.
Không chỉ thế, bạn còn phải cực kỳ cẩn trọng và không cung cấp mã OTP cho bất kỳ ai nếu không xác định rõ danh tính, mục đích của họ. Bởi lẽ, có rất nhiều kẻ gian đang lợi dụng lòng tin và sự thiếu hiểu biết của người dùng để đánh cắp thông tin tài khoản và thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền của họ.
Kịch bản lừa đảo OTP quen thuộc bạn cần tránh
Ngoài việc tìm hiểu OTP là gì và nắm rõ tầm quan trọng của mã xác thực này, bạn còn phải trang bị cho mình những kiến thức liên quan đến rủi ro, bảo mật và một số hành vi lừa đảo để bản thân không trở thành nạn nhân của kẻ gian trong tương lai.
Dưới đây là một số kịch bản thường gặp mà bạn có thể tham khảo:
Cảnh báo phạt nguội
Thông thường, kẻ gian sẽ giả dạng công an giao thông gọi điện cho bạn và thông báo rằng bạn phải đóng phạt nguội vì vi phạm luật khi tham gia giao thông. Sau đó, kẻ gian sẽ yêu cầu bạn thực hiện một số thao tác để nộp tiền, kèm theo đó là lời đe dọa nếu không nộp ngay sẽ gánh hậu quả lớn để bạn sợ hãi và thực hiện theo yêu cầu của chúng.
Trong trường hợp này, bạn cần bình tĩnh, cúp máy và kiểm tra thông tin phạt nguội trên các trang web của chính phủ hoặc đến các cơ quan chức năng để được hỗ trợ. Ngoài ra, việc nắm rõ OTP là gì và kiến thức liên quan đến OTP cũng sẽ giúp bạn tránh các rủi ro tương tự.
Chiếm quyền kiểm soát SIM
Đây là chiêu thức khá mới hiện nay. Được biết, kẻ gian sẽ giả dạng là một nhân viên nhà mạng và gọi đến để giới thiệu cho khách hàng các chương trình chuyển đổi SIM với vô vàn ưu đãi.
Khi nghe đến những ưu đãi hấp dẫn, nhiều người đã tin và thực hiện theo các thao tác mà chúng gọi là “quy trình đăng ký chuyển đổi”. Sau đó, chúng có thể dễ dàng đánh cắp số điện thoại nạn nhân và dùng nó để lấy mã OTP trong các giao dịch online.
Trúng thưởng ngân hàng
Kẻ gian sẽ gọi điện và giả mạo mình là một nhân viên ngân hàng, sau đó thông báo rằng nạn nhân đã trúng một giải thưởng cực lớn. Khi nạn nhân bắt đầu tin vào “câu chuyện” của chúng, chúng sẽ yêu cầu khách hàng ấn vào link được chúng gửi đến, sau đó nhập mã OTP để nhận thưởng trong thời gian sớm nhất.
Và kết quả là, bạn sẽ bị đánh cắp toàn bộ số tiền trong tài khoản ngân hàng của mình. Vì thế, đừng quên tìm hiểu OTP là gì và cẩn trọng khi rơi vào tình huống này nhé!
Tin nhắn giả mạo ngân hàng
Với hình thức lừa đảo này, kẻ gian sẽ giả danh ngân hàng gửi tin nhắn báo rằng có người đã chuyển nhầm tiền vào tài khoản của bạn, sau đó gửi đường link để bạn điền thông tin. Sau khi điền thông tin vào đường link ấy, hiển nhiên bạn sẽ bị đánh cắp thông tin và tiền trong tài khoản.
Tốt nhất là bạn không nên click vào bất kỳ đường link nào không được xác minh rõ hoặc yêu cầu nhập thông tin nhạy cảm như thông tin tài khoản, OTP… Nếu nghi ngờ, hãy đến hỏi trực tiếp ngân hàng thay vì nghe theo hướng dẫn của bất kỳ ai qua điện thoại.
Đặt cọc thuê nhà hay mua các sản phẩm có giá trị cao
Đối tượng lừa đảo sẽ nhắn tin với nội dung là muốn mua một sản phẩm (bất động sản, trang sức, đá quý…) từ nạn nhân – tức là người bán. Sau đó, chúng sẽ tiến hành bàn bạc sau đó chốt giá với nạn nhân.
Khi bàn bạc xong, chúng sẽ yêu cầu bạn gửi số tài khoản để gửi tiền cọc, nhưng đi kèm với đó là hành vi khá đáng ngờ như yêu cầu người bán nhập mã giao dịch cùng với một link xác nhận. Tuy nhiên, để xác nhận, nạn nhân cần nhập thông tin đăng nhập và OTP. Cuối cùng, cứ ngỡ chốt được “deal hời”, ai ngờ lại “tiền mất tật mang”.
Bên cạnh các tình huống trên, còn có rất nhiều hành vi khác như hù dọa bắt giam, khởi tố nạn nhân, gọi điện thoại làm phiền và đề xuất nạn nhân hủy thẻ tín dụng, sau đó yêu cầu thông tin đăng nhập (bao gồm OTP) để hủy thẻ giúp rồi rút hết tiền, giả mạo nhân viên ngân hàng, công an, cảnh sát… Hầu hết các hành vi đều nhắm vào tâm lý người dùng để tạo sự hoang mang, lo lắng và dẫn dắt nạn nhân tự “chui vào tròng”.
Vậy, khi rơi vào tình huống đó, bạn nên làm gì?
Những việc làm bạn cần làm khi bị lừa đảo qua OTP là gì?
Đầu tiên, cần lưu ý là không có bất kỳ ngân hàng hay cơ quan chức năng nào yêu cầu bạn nộp tiền hoặc cung cấp thông tin tài khoản cả. Nếu ai đó có hành vi trên, nhất là khi họ gửi link và yêu cầu điền các thông tin bảo mật như OTP, thông tin tài khoản… bạn tuyệt đối không được làm theo và hãy tắt máy thay vì để đối tượng kia tiếp tục “tấn công tâm lý”.
Thứ hai, hãy luôn nhớ rằng, không bao giờ cung cấp thông tin tài khoản (tên tài khoản, mật khẩu) và mã xác thực OTP cho bất kỳ ai, nhất là những đối tượng liên hệ qua điện thoại và không xác minh được danh tính.
Thứ ba, nếu bạn lo lắng, bạn có thể đến trực tiếp ngân hàng hoặc các cơ quan chức năng để xác minh thông tin. Nếu như thật sự bị phạt nguội, việc nộp trực tiếp ở cơ quan chức năng cũng đảm bảo hơn so với nộp qua điện thoại.
Cuối cùng, hãy đề cao cảnh giác và tỉnh táo trước mọi thông tin được truyền qua điện thoại. Nếu có thể, bạn nên xác minh thông tin từ những người liên quan, đáng tin cậy trước khi thật sự làm gì đó.
Lời kết
Như vậy, bài viết trên đã giúp bạn nắm rõ OTP là gì và một số kịch bản lừa đảo liên quan đến mã xác thực OTP. Có thể nói rằng, OTP là lớp bảo mật cuối cùng trong mọi giao dịch trực tuyến, vậy nên bạn cần cẩn trọng trước khi thực hiện bất kỳ hành động nào để tránh gặp phải rủi ro không đáng có.
Xem thêm: