Mùa hè đến cũng là lúc các thiết bị làm mát được hoạt động hết công suất. Tuy nhiên, sau một thời gian dài sử dụng, điều hòa nhà bạn có thể bắt đầu phát ra những tiếng ồn lạ, làm lạnh kém hoặc thậm chí là hỏng hóc. Để tránh những tình huống đáng tiếc này, việc vệ sinh điều hòa định kỳ là điều vô cùng quan trọng. Trong nội dung ngày hôm nay, Hoàng Hà Mobile sẽ hướng dẫn bạn cách tự tay vệ sinh máy lạnh, điều hòa tại nhà một cách đơn giản và hiệu quả.
Tại sao phải vệ sinh điều hòa định kỳ?
Máy lạnh là thiết bị được sử dụng thường xuyên, đặc biệt là trong điều kiện khí hậu nóng ẩm như Việt Nam. Trong quá trình hoạt động, máy lạnh sẽ hút không khí từ môi trường bên ngoài vào, qua đó bụi bẩn, vi khuẩn, nấm mốc sẽ tích tụ bên trong máy. Nếu không được vệ sinh thường xuyên, điều này sẽ dẫn đến:
- Giảm hiệu quả làm lạnh: Lớp bụi bẩn bám trên dàn lạnh sẽ cản trở quá trình trao đổi nhiệt, khiến máy lạnh phải hoạt động quá tải để làm mát căn phòng.
- Tăng tiêu thụ điện năng: Máy lạnh hoạt động kém hiệu quả sẽ tiêu tốn nhiều điện năng hơn.
- Ảnh hưởng đến sức khỏe: Bụi bẩn, vi khuẩn, nấm mốc tích tụ trong máy lạnh sẽ gây ra các bệnh về đường hô hấp, dị ứng, đặc biệt là đối với trẻ em và người già.
- Giảm tuổi thọ của máy lạnh: Bụi bẩn và các chất bẩn khác sẽ làm mòn các bộ phận bên trong máy, gây hư hỏng và giảm tuổi thọ của máy.
Tần suất vệ sinh điều hòa phụ thuộc vào nhiều yếu tố như ở những nơi khói bụi, ô nhiễm, tần suất sử dụng,… Ngoài ra, đối với mỗi loại máy lạnh cửa sổ, máy lạnh âm trần, máy lạnh treo tường sẽ có tần suất vệ sinh khác nhau. Thông thường, bạn nên vệ sinh máy lạnh định kỳ 3-6 tháng/lần.
Tuy nhiên, trong những điều kiện đặc biệt như gia đình có trẻ nhỏ, người già hoặc người mắc các bệnh về đường hô hấp, môi trường sống nhiều bụi bẩn, máy lạnh hoạt động liên tục,… thì cần được vệ sinh khoảng 1-3 tháng/lần.
Những dấu hiệu cho thấy máy lạnh cần được vệ sinh
Để đảm bảo máy lạnh luôn hoạt động tốt và không gây hại cho sức khỏe, bạn cần chú ý đến những dấu hiệu sau:
Máy lạnh chạy yếu, không lạnh: Dàn lạnh bị bám bụi bẩn, lớp bụi dày khiến không khí khó lưu thông qua các lá nhôm, cản trở quá trình trao đổi nhiệt, khiến máy lạnh phải hoạt động quá tải nhưng vẫn không đạt được hiệu quả làm lạnh mong muốn.
Máy lạnh phát ra tiếng ồn lớn: Bụi bẩn tích tụ trên cánh quạt, motor hoặc các bộ phận chuyển động khác gây ra tiếng ồn, cũng là dấu hiệu cho thấy các bộ phận bên trong đang bị mài mòn.
Máy lạnh có mùi hôi: Bụi bẩn, ẩm mốc tích tụ lâu ngày trong máy lạnh tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm mốc sinh sôi, gây ra mùi hôi khó chịu, không những thế còn ảnh hưởng đến sức khỏe.
Máy lạnh tiêu thụ điện năng nhiều hơn bình thường: Máy lạnh phải hoạt động quá tải để đạt được nhiệt độ mong muốn do dàn lạnh bị bẩn hoặc thiếu gas. Lúc này cần thiết phải vệ sinh điều hòa.
Máy lạnh bị đóng tuyết: Dàn lạnh bị bám bụi bẩn, cản trở quá trình trao đổi nhiệt, khiến hơi ẩm trong không khí ngưng tụ thành tuyết trên dàn lạnh, làm giảm hiệu suất làm lạnh của máy và có thể gây hư hỏng các bộ phận bên trong.
Lưới lọc bụi bị bẩn: Lưới lọc bụi có chức năng giữ lại bụi bẩn, lông động vật và các hạt bụi nhỏ khác. Khi lưới lọc bị bẩn, khả năng lọc không khí của máy lạnh giảm đi đáng kể.
Chuẩn bị dụng cụ vệ sinh máy lạnh
Để đảm bảo quá trình vệ sinh máy lạnh diễn ra an toàn và hiệu quả, bạn cần chuẩn bị một số dụng cụ sau:
Các dụng cụ vệ sinh điều hòa cơ bản gồm có:
- Túi hứng nước: Giúp hứng nước bẩn khi vệ sinh dàn lạnh. Có nhiều loại túi với kích thước và chất liệu khác nhau, bạn có thể chọn loại phù hợp với máy lạnh nhà mình.
- Bàn chải hoặc cọ: Dùng để chà rửa các khe kẽ, lưới lọc và dàn lạnh.
- Khăn lau: Lau khô các bộ phận sau khi vệ sinh.
- Găng tay: Bảo vệ tay khi tiếp xúc với hóa chất và bụi bẩn.
- Kìm: Dùng để tháo lắp các bộ phận của máy lạnh (nếu cần).
- Tua vít: Dùng để tháo các ốc vít.
- Máy hút bụi: Hút sạch bụi bẩn sau khi vệ sinh.
Ngoài ra, cần phải có các dụng cụ chuyên dụng để vệ sinh máy lạnh gồm có:
- Nước rửa chuyên dụng: Giúp làm sạch các vết bẩn cứng đầu, tiêu diệt vi khuẩn và nấm mốc.
- Bình xịt: Dùng để phun dung dịch vệ sinh lên các bề mặt cần làm sạch.
- Máy bơm: Dùng để xịt rửa dàn lạnh một cách hiệu quả.
- Đồng hồ đo gas: Để kiểm tra bổ sung xem gas máy lạnh có bị rò rỉ không hoặc sắp hết hay chưa.
5 bước vệ sinh điều hòa đơn giản tại nhà
Vệ sinh máy lạnh định kỳ không chỉ giúp máy hoạt động hiệu quả hơn mà còn tiết kiệm điện năng, kéo dài tuổi thọ của máy và đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình. Trong nội dung tiếp theo ngay dưới đây, chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc vệ sinh máy lạnh và hướng dẫn bạn cách vệ sinh máy lạnh tại nhà với những vật dụng sẵn có một cách đơn giản nhất.
Bước 1: Kiểm tra trước khi vệ sinh điều hòa
Trước khi thực hiện các bước vệ sinh, kiểm tra khả năng làm lạnh của thiết bị là một bước rất quan trọng. Nếu máy lạnh không làm lạnh hoặc làm lạnh kém trước khi vệ sinh, thì vấn đề không chỉ đơn thuần là do bụi bẩn tích tụ mà có thể còn do các nguyên nhân khác như thiếu gas, hỏng hóc các bộ phận bên trong máy,…
Từ đó bạn có thể đưa ra các biện pháp khắc phục kịp thời. Ngoài ra, sau khi vệ sinh xong, bạn có thể so sánh lại khả năng làm lạnh của máy để đánh giá hiệu quả của việc vệ sinh. Nếu máy lạnh hoạt động tốt hơn, bạn có thể yên tâm rằng quá trình vệ sinh đã thành công.
Bước 2: Ngắt điện trước khi vệ sinh điều hòa
Tại sao phải ngắt nguồn điện khi vệ sinh máy lạnh? Khi vệ sinh, nước có thể bắn vào các bộ phận điện bên trong máy lạnh. Nếu máy vẫn đang cấp điện, thì rất dễ gây ra chập điện, gây hỏng hóc máy móc và nguy hiểm cho người sử dụng. Bên cạnh đó, khi ngắt điện, bạn có thể thoải mái vệ sinh các bộ phận mà không sợ làm ảnh hưởng đến hoạt động của máy.
Bước 3: Tháo tấm lọc bụi
Đây là bước đầu tiên và quan trọng nhất khi vệ sinh điều hòa. Mở nắp máy lạnh và nhẹ nhàng tháo tấm lọc bụi ra, rửa sạch bằng nước ấm hoặc dung dịch vệ sinh chuyên dụng. Nếu tấm lọc quá bẩn, bạn có thể ngâm nó trong nước ấm pha chút nước rửa chén trong khoảng 15 phút rồi dùng bàn chải mềm chà sạch. Sau đó rửa lại bằng nước sạch và để khô hoàn toàn trước khi lắp lại.
Đôi với cánh quạt thì dùng chổi lông mềm hoặc khăn ẩm để làm sạch bụi bẩn bám trên cánh quạt. Lưu ý nhẹ nhàng để tránh làm cong cánh quạt.
Bước 4: Vệ sinh dàn lạnh
Đặt túi hứng nước dưới dàn lạnh để hứng nước bẩn khi vệ sinh điều hòa. Dùng vòi xịt nước nhẹ nhàng xịt vào các lá nhôm của dàn lạnh để loại bỏ bụi bẩn và nấm mốc. Dùng bình xịt phun dung dịch vệ sinh lên bề mặt dàn lạnh, sau đó dùng bàn chải chà nhẹ để làm sạch các vết bẩn. Tuyệt đối không xịt nước trực tiếp vào bo mạch điện tử vì có thể gây chập mạch. Sau khi vệ sinh, dùng khăn khô lau sạch nước và để dàn lạnh khô hoàn toàn trước khi lắp lại.
Sau khi vệ sinh xong dàn lạnh, tiến hành lắp lại tấm lọc bụi vào vị trí cũ. Lắp lại các bộ phận của máy lạnh theo đúng trình tự và kiểm tra lại các kết nối và ốc vít để đảm bảo máy lạnh hoạt động ổn định.
Bước 5: Vệ sinh dàn nóng
Dàn nóng là một phần quan trọng của máy lạnh, nó có nhiệm vụ tỏa nhiệt ra môi trường bên ngoài. Do đó, việc vệ sinh dàn nóng là rất cần thiết để đảm bảo máy lạnh hoạt động tốt và tiết kiệm điện năng.
Đầu tiên hãy tháo vỏ bảo vệ ở mặt trước dàn nóng. Dùng vòi xịt nước có áp lực mạnh để vệ sinh dàn nóng, đặc biệt là phần cánh quạt. Sau khi làm sạch, hãy lau khô các bộ phận sau khi vệ sinh điều hòa và lắp lại vỏ bảo vệ vào vị trí cũ. Cuối cùng là bật nguồn điện và kiểm tra xem máy lạnh hoạt động có bình thường không.
Cần lưu ý gì khi vệ sinh máy lạnh tại nhà
Vệ sinh máy lạnh tại nhà là cách hiệu quả để đảm bảo máy hoạt động tốt và tiết kiệm điện năng. Tuy nhiên, để quá trình vệ sinh diễn ra an toàn và hiệu quả, bạn cần lưu ý một số điều sau.
Luôn luôn ngắt nguồn điện trước khi tiến hành vệ sinh bất kỳ bộ phận nào của máy lạnh để đảm bảo an toàn. Công đoạn chuẩn bị cũng cực kỳ quan trọng. Cần chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ cần thiết như tua vít, khăn mềm, chổi lông mềm, bình xịt nước sạch, dung dịch vệ sinh chuyên dụng (nếu có), túi nilon… Và nên chọn thời điểm máy lạnh không hoạt động quá lâu để tránh tình trạng bụi bẩn bám quá chặt.
Trong quá trình vệ sinh điều hòa, cần tập trung làm sạch các bộ phận chính gồm dàn lạnh, cánh quạt, khe thoát nước và dàn nóng. Tháo tấm lọc bụi, vệ sinh bằng nước sạch hoặc dung dịch chuyên dụng. Dùng chổi lông mềm để làm sạch bụi bẩn bám trên cánh quạt. Khi vệ sinh dàn nóng bằng vòi xịt nước chú ý không xịt trực tiếp vào bo mạch điện tử.
Ngoài ra, tránh sử dụng chất tẩy rửa quá mạnh. Chỉ sử dụng các loại hóa chất chuyên dụng để vệ sinh máy lạnh, tránh làm hỏng các bộ phận. Sau khi vệ sinh, cần lau khô các bộ phận bằng khăn mềm để tránh ẩm mốc. Sau khi lắp ráp lại máy lạnh, kiểm tra kỹ lưỡng các kết nối để đảm bảo máy hoạt động bình thường.
Tạm kết
Việc vệ sinh điều hòa định kỳ là một điều quan trọng cần làm để giúp bạn tận hưởng không khí trong lành và mát mẻ trong suốt mùa hè. Bằng cách thực hiện theo các bước hướng dẫn mà Hoàng Hà Mobile đã chia sẻ bên trên, bạn đã có thể chủ động loại bỏ những tác nhân thường trực ảnh hướng sức khỏe cho cả gia đình và bên cạnh đó là tiết kiệm chi phí điện năng. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn còn băn khoăn, hãy liên hệ với các trung tâm bảo hành để được hỗ trợ tốt nhất.
Đừng quên chia sẻ bài viết này với bạn bè và người thân để cùng nhau có một mùa hè thật thoải mái và dễ chịu nhé!
XEM THÊM: