Tia laser hiện đang là công nghệ được sử dụng phổ biến trong các sự kiện trình chiếu và biểu diễn. Nó được cho là sẽ góp phần mang đến những màn trình diễn đẹp mắt và ấn tượng hơn. Nhưng liệu bạn có biết những tia laser ấy cũng là nguyên nhân khiến camera của bạn bị hỏng hoàn toàn? Trong bài viết này hãy cùng tìm hiểu tác hại của những tia sáng “tử thần” khiến hàng loạt cảm biến máy ảnh phải chào thua nhé!
Tìm hiểu tia laser
Tia laser là gì?
Tia laser là từ viết tắt của Light Amplification by Stimulated Emission of Radiation. Cụm từ này có nghĩa là khuếch đại ánh sáng bằng phát xạ kích thích. Công nghệ này được phát minh ra vào khoảng đầu những năm 1960 và được sử dụng rộng rãi cho nhiều mục đích khác nhau.
Bản chất chính của laser là một chùm photon được phát ra nhiều lần nhằm mục đích khuếch đại chùm sáng trong một buồng chứa. Từ đó, ánh sáng được chiếu ra ngoài thông qua một ống kính định hướng và cho ra chùm tia song song. Chính vì nguyên lý hoạt động này mà thường chùm tia laser sẽ có nguồn năng lượng rất lớn.
Các chùm tia này sẽ được phân loại khác nhau cho từng mục đích khác nhau. Mặc dù vậy, nó cũng mang tới một số tác hại nhất định.
Tia laser mang đến những tác hại cho camera điện thoại
Không lâu trước đây, một người xem tại buổi biểu diễn của ca sĩ Geolier ở Nhà hát Palapartenope (Italy) đã sử dụng điện thoại để lưu lại những khoảnh khắc trên sân khấu. Trong quá trình quay video, camera điện thoại sau khi nhận được chùm tia laser chiếu vào đã bắt đầu xuất hiện những đường kẻ dọc kèm theo các vệt sáng lớn. Chỉ vài giây sau đó, toàn bộ video đã bao trùm bởi các đường đen. Ngay sau khi nhận ra vấn đề, người này đã dừng lại và kiểm tra điện thoại của mình.
Theo các chuyên gia về máy ảnh, trường hợp này có thể là do tác động của các tia laser. Từ đó khiến cảm biến trên máy ảnh bị hư hại hoàn toàn và không thể sửa chữa được nữa.
Tia laser đã tàn phá cảm biến điện thoại như thế nào?
Bản chất của laser là nguồn sáng song song và có năng lượng cực lớn. Đặc biệt khi được các ống kính thu nhận, nó lại càng được khuyếch đại hơn nữa. Chính vì thế, ngay khi thu nhận vào cảm biến máy ảnh, tia laser sẽ gây ra tình trạng quá tải và khiến pixel bị cháy. Từ đó dẫn đến các điểm chết trên cảm biến.
Với các dạng chùm laser tại các sự kiện, chương trình biểu diễn hiện nay, nó có thể khiến các vùng pixel chết theo kiểu đường dọc hoặc đường ngang. Và cũng do tính khuyếch đại này, ánh sáng thông qua các máy ảnh DSLR hay ống nhòm sẽ khiến cho mắt người dùng bị tổn thương.
Tác hại của tia laser đã được cảnh báo từ lâu
Tác hại của tia laser với cảm biến máy ảnh đã được các thương hiệu cảnh báo từ rất lâu. Vào năm 2021, Sony đã đăng bài khuyến trên website của mình rằng không nên để các tia laser chiếu trực tiếp vào camera vì nó có thể làm hỏng cảm biến.
Vào năm 2011, ba chiếc máy ảnh Canon 5D Mark II đã chết cảm biến khi bị laser chiếu vào trong khi đang quay video ở một buổi hoà nhạc. Năm 2013, chiếc máy ảnh RED Epic có giá trị lên đến 20.000 USD cũng đã gặp phải sự cố tương tự.
Điều đặc biệt hơn cả, tình trạng hư hỏng bởi tia laser sẽ không được một số hãng bảo hành vì đây là yếu tố khách quan, cũng như các hãng đã cảnh báo từ trước. Điều này sẽ gây ra sự khó chịu cho một số khách hàng, nhưng nếu bạn biết cách bảo vệ cảm biến máy ảnh của mình thì mọi chuyện sẽ tốt hơn.
Làm sao để bảo vệ thiết bị của mình?
Hiện tại đã có một số filter giúp camera lọc ánh sáng laser. Tuy nhiên, những sản phẩm này vẫn chưa có bất kỳ sự khẳng định nào về độ hiệu quả cũng như khả năng an toàn của nó từ các chuyên gia. Vì thế, để giảm thiểu tình trạng hư cảm biến nói trên, bạn có thể:
- Chọn đứng gần những khu vực ban tổ chức sắp xếp máy quay để đảm bảo an toàn cho camera
- Quan sát trước những điểm phát chùm tia laser để tránh ánh sáng chiếu trực tiếp
- Hạn chế để tia laser chiếu trực tiếp vào camera điện thoại
Tạm kết
Trên đây là những thông tin về việc tia laser sẽ khiến camera điện thoại của bạn hỏng vĩnh viễn, đi kèm là thông tin giúp bạn phòng tránh tình trạng nói trên. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn thu thập thêm những điều thật bổ ích.
Xem thêm Cách tìm kiếm thư email trong hộp thư Gmail trên điện thoại hiệu quả
Đừng quên đăng ký Hoàng Hà Channel nhé: