Bất kể chiếc điện thoại android mà bạn đang sở hữu là dòng mới nhất và tốt nhất, thì sau một khoảng thời gian, thiết bị cũng sẽ bắt đầu “lão hóa” dần theo vòng đời của nó. Đó là điều đương nhiên vì sản phẩm nào cũng đều có hạn sử dụng. Bên cạnh đó, trong khi sử dụng điện thoại Android, chúng ta tải và cài đặt ứng dụng, học tập, giải trí và làm mọi việc trên đó thì sau một khoảng thời gian điện thoại dần trở thành một mớ lộn xộn với nhiều thứ linh tinh mà không được tối ưu khiến hiệu suất máy giảm sút. Điều đó ảnh hưởng đến hiệu suất sử dụng của người dùng và chính vì thế, biết cách tối ưu hóa hiệu suất điện thoại là điều vô cùng quan trọng.
Cập nhật điện thoại lên phiên bản android mới nhất
Có một số lý do quan trọng mà bạn nên cập nhật điện thoại của mình lên phiên bản Android mới nhất:
- Bảo mật: Cập nhật lên phiên bản mới giúp bạn tránh các lỗ hổng bảo mật đã được vá trong phiên bản trước đó. Các nhà sản xuất liên tục tìm ra và vá các lỗ hổng mới để bảo vệ người dùng khỏi các cuộc tấn công của tin tặc.
- Hiệu suất: Phiên bản mới thường được tối ưu hóa và cải thiện hiệu suất hệ thống. Phiên bản mới cũng được sửa lỗi và khắc phục vấn đề tồn đọng từ phiên bản cũ, giúp điện thoại của bạn hoạt động ổn định hơn và giảm thiểu các sự cố gặp phải.
- Tính năng mới: Phiên bản mới thường có các tính năng mới và cải tiến, giúp cải thiện trải nghiệm người dùng.
- Tương thích ứng dụng: Một số ứng dụng mới chỉ được phát triển và hỗ trợ trên các phiên bản Android mới nhất.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc cập nhật lên phiên bản mới cũng có thể gây ra một số vấn đề chẳng hạn phiên bản mới sẽ không tương thích với một số ứng dụng hoặc phần mềm cũ. Vì vậy, trước khi nâng cấp thành phiên bản cao hơn, hãy đảm bảo sao lưu dữ liệu quan trọng và cập nhật những ứng dụng mới.
Cài đặt ROM tùy chỉnh
Cài đặt ROM tùy chỉnh (Custom ROM) là một trong những cách để tối ưu hóa hiệu suất điện thoại Android. Dưới đây là một số lý do vì sao người dùng quan tâm đến việc sử dụng ROM tùy chỉnh:
- Hiệu suất tối ưu hơn: Các ROM tùy chỉnh thường được tối ưu hóa để điện thoại android có thể hoạt động trơn tru và nhanh chóng hơn so với ROM gốc đi kèm. ROM tùy chỉnh loại bỏ các ứng dụng, quy trình và tính năng không cần thiết, giúp tiết kiệm tài nguyên hệ thống từ đó tăng hiệu suất.
- Đa dạng hóa: ROM tùy chỉnh cung cấp cho người dùng nhiều tùy chọn tùy chỉnh hơn so với ROM gốc. Bạn có thể thay đổi giao diện, điều chỉnh cài đặt, thêm tính năng mới, và thậm chí nâng cấp phiên bản hệ điều hành mà không chờ nhà sản xuất cung cấp bản cập nhật chính thức.
- Hỗ trợ cập nhật nhanh chóng: ROM tùy chỉnh thường nhận được cập nhật nhanh hơn so với ROM gốc do người phát triển cộng đồng làm việc liên tục để cải thiện và tối ưu hóa chúng. Điều này giúp người dùng có thể sử dụng phiên bản hệ điều hành mới nhất mà không phải chờ đợi bản cập nhật bản quyền từ nhà sản xuất.
Tuy nhiên, việc cài đặt ROM tùy chỉnh cũng có những rủi ro vì đòi hỏi kiến thức kỹ thuật từ người thực hiện. Nếu không thực hiện đúng cách, điện thoại có thể gặp lỗi về vấn đề phần mềm.
Khởi động lại điện thoại Android
Một trong những cách dễ nhất để tăng hiệu suất trên điện thoại Android của bạn là khởi động lại nó.
- Giải phóng bộ nhớ RAM: Khi bạn sử dụng điện thoại trong một thời gian dài, nhiều ứng dụng chạy nền sẽ tiêu thụ lượng lớn bộ nhớ RAM. Khi khởi động lại điện thoại, các ứng dụng sẽ bị đóng và bộ nhớ RAM sẽ được giải phóng, giúp điện thoại hoạt động nhanh hơn.
- Thiết lập lại các quy trình: Khởi động lại cũng giúp thiết lập lại các quy trình hệ thống và đảm bảo các thành phần phần mềm hoạt động đúng cách. Điều này giúp loại bỏ những xung đột có thể xảy ra trong quá trình sử dụng điện thoại.
- Cập nhật hệ thống: Trong một số trường hợp, khi bạn khởi động lại điện thoại, hệ thống có thể tự động tải và cài đặt các bản cập nhật hệ thống mới nhất. Bản cập nhật sẽ giúp nâng cao bảo mật và hiệu suất của thiết bị.
- Giảm tình trạng treo và phản hồi chậm: Khởi động lại điện thoại có thể giúp khắc phục tạm thời các vấn đề này.
Việc khởi động lại điện thoại Android không thể giải quyết tất cả các vấn đề hiệu suất và những sự cố lặp đi lặp lại. Lúc đó, bạn cần xem xét các giải pháp khác như loại bỏ ứng dụng không cần thiết, làm sạch bộ nhớ hay thậm chí cài đặt lại hệ điều hành nếu cần thiết.
Giải phóng dung lượng lưu trữ
Thiết bị của bạn cần có đủ dung lượng lưu trữ để chạy các ứng dụng nhanh chóng hơn. Trên thực tế, theo Google, điện thoại Android khi chỉ còn dưới 10% dung lượng lưu trữ có thể gặp phải nhiều vấn đề về hiệu suất. Để cải thiện hiệu suất và tránh gặp phải các vấn đề liên quan đến dung lượng lưu trữ thấp, người dùng nên thường xuyên kiểm tra và dọn dẹp các tệp không cần thiết hay ứng dụng không sử dụng và sao lưu dữ liệu quan trọng lên đám mây hoặc thiết bị lưu trữ bên ngoài.
Bộ nhớ cache về cơ bản chính là thông tin được lưu trữ từ các ứng dụng giúp mở lại ứng dụng nhanh hơn. Và cách nhanh nhất để giải phóng bộ nhớ trên điện thoại Android của bạn là sử dụng ứng dụng Files by Google.
Gỡ cài đặt các ứng dụng không sử dụng
Chúng ta tải và cài đặt các ứng dụng nhiều đến mức vô tội vạ vì không biết khi nào mình sẽ cần đến một trong số đó. Nhưng bạn có biết rằng các ứng dụng mà mình hầu như không sử dụng đang chiếm dung lượng bộ nhớ và làm cản trở hiệu suất thiết bị không? Một số thậm chí có thể chạy các quy trình nền không cần thiết, làm tắc nghẽn RAM trên điện thoại và khiến thiết bị hoạt động rất chậm.
Có một cách để gỡ cài đặt các ứng dụng không sử dụng trên điện thoại Android nhanh chóng hơn bằng cách truy cập Cửa hàng Google Play, nhấn vào Hồ sơ của bạn và chọn Quản lý ứng dụng và thiết bị. Bạn sẽ thấy tab Quản lý, trong đó các ứng dụng được lọc theo trạng thái ít sử dụng.
Cài đặt phiên bản Lite của các ứng dụng
Hầu hết các ứng dụng thiết yếu đều có sẵn phiên bản rút gọn như Facebook Lite và Messenger Lite. Các phiên bản rút gọn này của ứng dụng không sử dụng nhiều tài nguyên như các phiên bản đầy đủ. Do đó, điện thoại của bạn sẽ phải làm việc ít “vất vả” hơn thông thường.
Điều chỉnh tốc độ hoạt ảnh
Bạn có thể vào cài đặt nâng cao để tối ưu hóa điện thoại Android. Thao tác này tác động nhiều nhất vào tốc độ hoạt ảnh của hệ thống. Việc điều chỉnh này sẽ không thực sự tăng tốc hiệu suất điện thoại của bạn nhưng nó sẽ giúp mọi thứ trở nên mượt mà hơn, mang lại cho bạn cảm giác rằng thiết bị đang hoạt động tốt hơn. Mở Cài đặt của điện thoại Android sau đó đi tới phần Cài đặt dành cho nhà phát triển và cuộn xuống Cài đặt tỷ lệ hoạt ảnh. Thay đổi từng cài đặt thành .5x để xem hoạt ảnh nhanh hơn trên thiết bị của mình.
Tạm kết
Hãy theo dõi trang tin tức Hoàng Hà Mobile để cập nhật những thông tin công nghệ mới nhất nhé. Và đừng quên truy cập kênh YouTube Hoàng Hà Channel để cập nhật nhiều hơn những tin tức công nghệ nóng hổi.
Xem thêm: Asus ROG Cetra TWS – tai nghe không dây cho anh em mê game