Nhìn lại thế giới Android trong năm 2016
Năm 2016 đã qua, để lại đó là những dấu mốc mang tính lịch sử và ấn tượng khó quên. Với các tín đồ Android, những sự kiện vui có, buồn có, tất cả đã tạo nên một bức tranh muôn màu muôn vẻ. Dưới đây sẽ là 10 sự kiện đáng nhớ nhất được Hoàng Hà Mobile tổng hợp.
1. Galaxy Note 7 bị thu hồi và khai tử
Thật đáng tiếc khi sự kiện nổi bật nhất năm 2016 lại là một tín hiệu buồn. Vốn được kì vọng là “con gà để trứng vàng” cho Samsung, nhưng Galaxy Note 7 lại gặp phải một scandal quá lớn. Đến nay vẫn không ai có thể giải thích nguyên nhân của hàng loạt vụ nổ pin liên tiếp xảy ra trên smartphone này, ngay cả khi nó đã được thu hồi và thay thế mới.
Galaxy Note 7 đã “chết” một cách ngậm ngùi và cay đắng
Đầu tháng 10 năm 2016, tất cả giới công nghệ đều phải ngậm ngùi chia tay một siêu phẩm hoàn hảo hiếm thấy khi Note 7 chính thức bị Samsung “khai tử”. Thậm chí, có những báo cáo còn cho rằng thế giới sẽ chẳng bao giờ được chứng kiến một chiếc Galaxy Note nào được ra đời nữa. Và đây quả là một điều cực kì đáng buồn.
2. Xiaomi gây tiếng vang lớn nhờ Mi Mix
Đáp lại sự trông chờ của người tiêu dùng, Xiaomi đã tạo nên một cơn sốt mới khi tung ra Mi Mix – một smartphone không viền đúng nghĩa. Khác biệt với Mi Note 2 và cả dòng Galaxy S, Galaxy Note của Samsung, Mi Mix sở hữu một thiết kế nổi bật không hề giống ai. và nó hoàn toàn đủ điều kiện để mở đầu cho thiết kế điện thoại thông minh thế hệ mới.
Xiaomi Mi Mix đã tạo nên đột phá trong thiết kế smartphone
3. Google quay trở lại đầy mạnh mẽ với Google Pixel
Đây là một tín hiệu cực kì đáng mừng của “ông trùm tìm kiếm”. Sau khi nói lời tạm biệt với dòng Nexus, Google đã nhanh chóng cho ra mắt những chiếc điện thoại di động của riêng mình: Pixel và Pixel XL. Bộ đôi này đã tạo nên một sự bất ngờ cực lớn cho giới công nghệ, thậm chí còn được đánh giá là những chiếc điện thoại Android tốt nhất thế giới.
Pixel là đã tạo nên thương hiệu điện thoại di động của Google theo cách “hoành tráng” nhất
Với cái mác “Made by Google”, Pixel dễ dàng có được những tính năng mà nhiều chiếc điện thoại khác không có như Google Assistant, Android 7.1 Nougat đầu tiên và giao diện độc quyền. Đồng thời, smartphone này cũng tự tin có camera chất lượng nhất thế giới smartphone với 89 điểm trên DxOMark.
4. Nokia về tay HMD Global trong tương lai mới
Sau khi chấm dứt “cuộc tình” không mấy tươi đẹp với Microsoft, Nokia đã tìm được một “bến đỗ” mới là HMD Global. Đây là một công ty có sự hợp tác với FIH của Foxconn và có sự góp mặt của những thành viên kì cựu từng cống hiến cho hãng di động Phần Lan.
Nokia sẽ có màn comeback ấn tượng vào năm 2017
Sự cấm vận tham gia vào mảng di dộng của Nokia cũng chấm dứt sau ngày 31/12/2016. Vì thế, trong năm 2017 này, “ông hoàng” smartphone một thời sẽ có sự trở lại vô cùng mạnh mẽ với những sản phẩm mới như Nokia D1C hay các mẫu smartphone giá rẻ chạy Android.
5. BlackBerry khai tử mảng di dộng
Sau khi BlackBerry Priv – chiếc điện thoại chạy Android không mang lại doanh thu đáng mong đợi cho Dâu đen, hãng này đã phải chính thức khai tử mảng di động vào cuối tháng 9 năm 2016. Đây là một tin cực kì đáng buồn cho những người luôn yêu mến họ.
Điện thoại BlackBerry với bàn phím QWERTY huyền thoại liệu có vắng bóng trên thị trường?
Sau đó, BlackBerry đã xác nhận một thương vụ nhượng quyền sử dụng thương hiệu cho TCL, đối tác đã gia công BB DTEK50 và BB DTEK60 vào 15/12. từ giờ, Dâu đen sec hỉ tập trung phát triển mảng bảo mật như thế mạnh vốn có của họ mà thôi.
6. Pokemon Go và cơn bão chớp nhoáng
Chưa bao giờ trên thị trường game di động lại xuất hiện một trò chơi có tầm ảnh hưởng đến thực tế mạnh mẽ như Pokemon Go. Nhờ giúp người chơi trải nghiệm công nghệ thực tế tăng cường (AR) ấn tượng qua camera, Niantic đã doanh thu khủng với 600 triệu USD thu được trong vài tháng.
Pokemon Go có sức hút quá lớn đối với người chơi
Tuy nhiên, những hệ lụy mà game này mang lại cũng không hề nhỏ. Đâu đâu trên đường cũng xuất hiện những người săn pokemon, dẫn đến những mối nguy hiểm về giao thông, an ninh trật tự và cả an ninh quốc gia. Giống như một cơn bão mạnh mẽ nhưng chớp nhoáng, Pokemon Go đã dần lắng lại khi bị cấm chơi tại nhiều quốc gia trên thế giới.
7. Cyanogen ngừng cung cấp mọi dịch vụ
Sau ngày 31/12/2016, mọi dịch vụ và hỗ trợ của Cyanogen cho các bản builds nightly sẽ bị chấm dứt. Điều này đồng nghĩa với việc hệ điều hành Cyanogen OS cùng các bản ROM tùy chỉnh của CyanogenMod sẽ bị “xóa sổ”. Đây là hậu quả của những khó khăn trong tài chính cũng như nhân sự mà hãng gặp phải.
CyanogenMod đã “trút hơi thở cuối cùng” vào ngày cuối năm 2016
Dù vậy, CyanogenMod sẽ được hồi sinh với cái tên mới là LineageOS, tiếp tục được phát triển trên ROM Android 7.1.1. LineageOS sẽ do chính những lập trình viên đã tạo nên CyanogenMod phát triển, và hỗ trợ đến hơn 400 dòng thiết bị di động.
8. Project Ara phá sản, Moto Z thành công ngoài mong đợi
Từng là một dự án cực kì hay ho và hấp dẫn của Google, nhưng mô hình điện thoại lắp ghép Project Ara mãi vẫn chỉ là ý tưởng mà thôi. Với những linh kiện phức tạp, cộng thêm mức giá bỏ ra để mua phụ kiện không hề nhỏ, Project Ara đã “chết” thật sự.
Moto Z xuất hiện như một làn gió mới của điện thoại biến hình
Trong khi ấy, Moto Z đã kể nên một câu chuyện hoàn toàn khác dịp cuối năm. Với thiết kế mô-đun kèm các loại phụ kiện ốp lưng tiện dụng trong bộ Moto Mods, smartphone này đã bán được 1 triệu chiếc chỉ sau vài tháng ra mắt. Có lẽ năm tới cũng chỉ có Lenovo tiếp tục phát triển thành công mô hình điện thoại lắp ghép như thế này.
9. Điện thoại Android giá rẻ “biến chất”
“Biến chất” ở đây được hiểu theo một xu hướng cực kì tích cực. Trong những năm gần đây, đặc biệt là 2016, những mẫu smartphone giá rẻ liên tục được các nhà sản xuất trang bị cấu hình, thiết kế như smartphone trung và cao cấp. Một loạt sản phẩm như thế đã được tung ra thị trường như Honnor 8, OnePlus 3, ZTE Axon 7,…
Cuộc chạy đua của các hãng sản xuất di động đã tạo nên định nghĩa mới cho smartphone giá rẻ
10. Smartwatch bị người dùng lãng quên
Những năm trước, đồng hồ thông minh được coi như một hiện tượng công nghệ mới hứa hẹn làm bùng nổ thị trường. Thế nhưng 2016 lại là một năm đáng buồn của dòng sản phẩm này. Mức sụt giảm thị trường smartwatch đã đạt đến mức hơn 50% trong quý 3 năm 2016.
Người dùng không còn mặn mà với đồng hồ thông minh
Có lẽ lý do người dùng quay lưng với smartwatch là do chúng chẳng có mấy sự cải tiến về tính năng và mãi gói gọn trong những gì đã cũ. Hơn nữa, cũng chẳng ai mong muốn một chiếc đồng hồ mà cứ suốt ngày phải đi sạc pin cả. Nếu trong năm tới, không một hãng nào có thể tạo nên đột phá, thì vô hình chung, smartwatch sẽ dần chìm vào quên lãng thật sự.
Tổng kết lại, chúng ta có thể thấy thế giới công nghệ Android trong năm vừa qua đã có quá nhiều thay đổi lớn. Có những sự ra đi, có những cái chết, nhưng cũng có những tương lai mới, những sự sự hồi sinh. Hy vọng, năm 2017 tới sẽ chứng kiến nhiều thành công hơn nữa để các tín đồ công nghệ thực sự được “thỏa mãn tâm hồn.”